Mục Lục Nội Dung
- #1. Xung nhịp CPU là gì?
- #2. Chíp Xeon và Chip Core i
- #3. Vì sao xung nhịp của chip Xeon thường thấp hơn Core i?
- #4. Tính kinh tế
Xung nhịp CPU có thể nói là quan trọng bậc nhất khi nói tới sức mạnh của một CPU (chíp xử lý, vi xử lý…).
Tuy nhiên, có một điều mà mình thấy nhiều người thắc mắc đó là, các CPU ít nhân thường có xung nhịp cao hơn so với các CPU nhiều nhân.
Cụ thể hơn là dòng Xeon của Intel có số nhân lên đến 12 hay 24, thậm chí là còn cao hơn nữa, nhưng nó lại có xung nhịp thấp hơn CPU ít nhân như 4 hay 8 nhân phổ thông.
Vậy lý do là gì, tại sao lại như thế? Và liệu nó có ảnh hưởng tới sức mạnh của một chiếc CPU hay không?
Vâng, và để tiện hơn cho việc tìm hiểu thì chúng ta sẽ lấy Intel làm ví dụ trong bài viết này nhé, AMD hay bất kì CPU nào khác thì nguyên lý cũng tương tự vậy thôi nha các bạn.
À, nhưng bạn biết rõ khái niệm về xung nhịp chưa đã ◉◡◉, có như vậy thì chúng ta mới hiểu rõ vấn đề được !
#1. Xung nhịp CPU là gì?
// Xung nhịp CPU, hay còn gọi là TỐC ĐỘ XUNG NHỊP, TẦN SỐ…
Dành cho bạn nào chưa biết thì xung nhịp của CPU là tốc độ xử lý của CPU. CPU được ví như bộ não của con người, mọi thao tác dù là nhỏ nhất, như một click chuột chẳng hạn cũng đều phải đi qua CPU để nó xử lý trước.
Vậy nên, rõ ràng là là xung nhịp càng cao thì CPU càng mạnh, xử lý thông tin càng nhanh hơn, mượt hơn.. Ví dụ như hình bên dưới đây, tốc độ xung nhịp là ~2.2 GHz (thực hiện 2.2 tỷ chu kì mỗi giây), cũng không mạnh lắm ?
Có thể bạn đang tìm: Nếu bạn muốn kiểm tra xung nhịp của CPU thì có thể đọc bài viết này: 3 cách xem cấu hình máy tính không cần sử dụng phần mềm
#2. Chíp Xeon và Chip Core i
Đây là hai dòng CPU tiêu biểu và cũng dành cho hai phân khúc khách hàng khác nhau.
- Xeon là dòng CPU hướng tới các hệ thống làm việc liên tục 24/7 trong một khoảng thời gian dài, chúng thường được sử dụng trong các hệ thống Render hay Sever nói chung.
- Còn dòng chip Core i thì là dòng CPU phổ thông, nó được sử dụng bởi người dùng thông thường không có nhu cầu quá cao về khối lượng công việc cũng như làm việc liên tục trong khoảng thời gian dài.
=> Đa số các máy tính cá nhân đều sử dụng dòng Core i hoặc những loại CPU có tính chất như vậy.
#3. Vì sao xung nhịp của chip Xeon thường thấp hơn Core i?
Xung nhịp cao không là tất cả: Như mình đã nói ở trên, các CPU Xeon vốn được thiết kế cho những máy chủ (máy server) hoạt động liên tục 24/7, liên tục làm việc với các tác vụ khối lượng lớn. Vậy nên chúng có nhiều nhân.
Điều này có nghĩa là, dù cho CPU Core i có xung nhịp cao (tức là chúng có khả năng xử lý nhanh) nhưng không thể đáp ứng được khi có một khối lượng công việc quá lớn cần giải quyết cùng một lúc.
Vâng, khi đó thì ưu thế nhiều nhân sẽ phát huy tác dụng, nó sẽ xử lý nhiều công việc cùng lúc (hay nói cách khác là xử lý đa nhiệm), đó cũng là ưu điểm của Xeon dù chúng có xung nhịp thấp hơn.
Xung nhịp càng cao thì càng nóng: Trước hết thì các bạn cần phải hiểu rằng, xung nhịp cơ bản (base) của các dòng CPU là xung nhịp trên từng nhân, còn xung nhịp boost thường chỉ là 2 – 3 nhân là nhiều.
Một ví dụ để các bạn dễ hình dung hơn: CPU 4 nhân 8 luồng có xung nhịp 2.3 Ghz, có turbo boost là 3.0 Ghz thì có nghĩa là ở chế độ bình thường, 4 nhân này sẽ ở mức xung nhịp là 2.3 Ghz. Nhưng ở mức turbo thì chỉ có 1 hoặc 2 nhân là có thể đẩy được lên tốc độ 3.0 Ghz.
Vì sao lại có chuyện này? Vâng, đơn giản là vì vấn đề về nhiệt độ và dòng điện cung cấp cho nó.
CPU muốn đạt xung nhịp càng cao thì cần phải có nguồn điện càng lớn theo định luật bảo toàn năng lượng, năng lượng điện không mất đi mà sẽ chuyển thành nhiệt năng.
Nói tới đây thì chắc hẳn bạn nào đã từng tìm hiểu về OC CPU (over clock CPU hay còn gọi là ép xung CPU) đã quá rõ rồi nhỉ :), bản chất của công việc này là đẩy xung nhịp CPU lên cao nhất có thể trên từng nhân và việc cần làm là tăng cường nguồn điện và làm mát CPU.
Như vậy thì với CPU càng nhiều nhân thì càng cần càng nhiều điện, mà bạn lại còn muốn xung nhịp cao nữa thì việc CPU bị quá nhiệt là rất dễ xảy ra.
#4. Tính kinh tế
Mặc dù bản thân các CPU Xeon có giá thành đắt hơn rất nhiều so với các CPU Core i, nhưng về lâu về dài thì nó lại là một sự đầu tư hiệu quả.
Như mình đã nói, CPU Xeon sinh ra để làm việc là chính, gần như không có thời gian nghỉ. Mà lao động thì mới tạo ra kết quả, nguyên lý hoạt động của nó cũng giống như con người thôi các bạn ạ ?
Bài viết này mình lấy CPU Xeon của Intel để làm ví dụ về những lý do mà CPU nhiều nhân thường có xung nhịp thấp hơn CPU ít nhân hơn. Còn những phân tích này cũng phù hợp với bất kì CPU nào hiện đang có trên thị trường.
Bất kì ai, một khi đã lựa chọn cho mình một CPU nhiều nhân thì họ sẽ làm vì mục đích công việc và công việc của họ đòi hỏi phải xử lý một nguồn dữ liệu khổng lồ.
Và CPU nhiều nhân có thể đáp ứng được khả năng đó, tốc độ ổn định, mát mẻ khi sử dụng và bền bỉ theo thời gian thậm chí là cả chục năm dù phải làm việc 24/7
Bài viết có những phân tích và nhận định cá nhân, vậy nên nếu còn thiếu sót gì thì rất mong các bạn có thể góp ý bằng cách để lại comment phía bên dưới bài viết này, để chúng ta cùng thảo luận thêm nhé. Xin cảm ơn !
Nguồn: blogchiasekienthuc.com